Ngành vi mạch nghe có vẻ “hàn lâm” và “khô khan”, nhưng thực chất lại cực kỳ thú vị và đầy triển vọng. Nếu bạn đang băn khoăn không biết mình có nên theo đuổi ngành này không, hãy thử check qua những dấu hiệu dưới đây nhé!
1. Bạn có thích Toán – Lý – Hóa không?
Thực ra thì chương trình học ở trường và đi làm thực tế khác nhau rất xa, nhưng nếu bạn giỏi Toán, Lý và các môn tự nhiên thì đó là dấu hiện cho thấy bạn phù hợp với nhóm ngành kĩ thuật nói chung.
2. Bạn có tư duy logic và thích giải quyết vấn đề?
Bạn có hay ngồi suy nghĩ làm sao để tối ưu đường đi trong game hay tìm cách sửa lỗi bug trong code không? Nếu có, thì bạn đã sở hữu tố chất quan trọng của dân thiết kế vi mạch rồi đó. Ngành này đòi hỏi bạn phải có tư duy hệ thống, suy luận chặt chẽ, và luôn tìm cách cải thiện, tối ưu giải pháp.
3. Bạn có đam mê công nghệ, thích tìm tòi cái mới?
Ngành vi mạch phát triển với tốc độ chóng mặt, công nghệ hôm nay có thể lỗi thời chỉ sau vài năm. Nếu bạn là người luôn tò mò, thích cập nhật xu hướng công nghệ, mê tìm hiểu về chip xử lý mới nhất hay cách hoạt động của các thiết bị điện tử, thì đây chính là môi trường dành cho bạn.
4. Bạn thích điện tử và phần cứng chứ?
Có những bạn đam mê lập trình phần mềm, nhưng cũng có những người thích “sờ tận tay” phần cứng. Nếu bạn thích nghịch board mạch, lắp ráp linh kiện, lập trình vi điều khiển hay thậm chí tự chế tạo robot, thì ngành vi mạch chắc chắn sẽ rất hợp với bạn.
5. Bạn có kiên trì và tỉ mỉ không?
Thiết kế vi mạch là công việc yêu cầu độ chính xác cực cao. Một lỗi nhỏ cũng có thể khiến cả con chip “đi bụi”. Nếu bạn là người cẩn thận, không dễ bỏ cuộc, sẵn sàng ngồi hàng giờ debug một lỗi “cùn”, thì bạn sẽ có lợi thế lớn trong ngành này.
6. Bạn có khả năng làm việc nhóm?
Làm vi mạch không phải là công việc một người “ôm” hết mà là sự phối hợp giữa nhiều bộ phận: thiết kế, kiểm thử, tối ưu… Nếu bạn có khả năng giao tiếp tốt, biết lắng nghe ý kiến của đồng đội, thì bạn sẽ dễ dàng thích nghi và phát triển trong môi trường làm việc này.
7. Tiếng Anh của bạn thế nào?
90% tài liệu trong ngành vi mạch là tiếng Anh, chưa kể các phần mềm chuyên dụng, tool thiết kế cũng đều bằng tiếng Anh. Nếu bạn muốn tiến xa trong ngành, đừng bỏ qua kỹ năng quan trọng này nhé!
Nếu bạn đọc đến đây mà thấy mình có ít nhất 4-5 dấu hiệu trên, thì xin chúc mừng, bạn rất có tiềm năng để theo đuổi ngành vi mạch!
Còn nếu chưa đủ thì cũng đừng lo, vì đam mê và kỹ năng hoàn toàn có thể rèn luyện được. Quan trọng nhất là bạn có thực sự muốn bước chân vào thế giới của những con chip hay không mà thôi!
