Series bài viết này dựa trên quan điểm của bản thân, với kinh nghiệm hơn 8 năm trong lĩnh vực vi mạch, nhằm mục đích cung cấp kinh nghiệm cho các bạn sinh viên hoặc đã đi làm chuẩn bị tham gia một cuộc phỏng vấn vào một công ty thiết kế vi mạch.
Phần I: Trước khi phỏng vấn
1. Chuẩn bị CV
Chúng ta hay nghe những câu chuyện về một trưởng bộ phận tuyển dụng (Hiring Manager – HM) xử lý hàng trăm bộ hồ sơ một ngày, cô/anh ấy bận đến mức chỉ có thể đọc một hồ sơ trong vòng 30 giây, nếu hồ sơ nào không gây đủ ấn tượng, hoặc không đủ thu hút sẽ bị loại ngay từ vòng gửi xe. Và còn nhiều câu chuyện ly kì khác nữa về CV mà chúng ta có thể dễ dàng tìm được trên mạng, nhưng nó không đúng với đa số ngành kỹ thuật cao nói chung và ngành thiết kế vi mạch nói riêng bởi vì các lý do sau:
- Đặc điểm ngành kĩ thuật nói chung thường khô khan, nặng về kiến thức khoa học, nên yếu tố thẩm mỹ thường không cần yêu cầu quá cao.
- Một yếu tố tối quan trọng của ngành kỹ thuật đó là sự chuyên môn hóa, nên nhà tuyển dụng cần phải đọc rất kĩ để nắm rõ thực lực của ứng viên, xem thử năng lực có phù hợp với công ty mình, hơn là tập trung vào hình thức của CV.
- Nguồn nhân lực hiếm, không có quá nhiều CV nộp cùng lúc nên HM có nhiều thời gian để đọc CV.
Nói như trên không có nghĩa là yếu tố trình bày bị xem nhẹ. Một CV chỉn chu luôn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
2. Chuẩn bị kiến thức
Sau khi đã qua được vòng sàng lọc CV, hay gọi vui là vòng “gửi xe”, bạn sẽ được gọi đi phỏng vấn kĩ thuật trực tiếp hoặc online. Đến lúc này phải dựa vào thực lực của bản thân thôi. Những điều sau đây có thể sẽ giúp ích cho bạn để có được một buổi phỏng vấn suông sẻ.
Mình tạm chia các kiến thức cần thiết để học thiết kế vi mạch thành 3 nhóm chính:
- Nhóm 1: kiến thức nền tảng. Là những kiến thức có thể được học trên ghế nhà trường, đây là kiến thức bắt buộc, gần như quan trọng nhất nếu bạn đang là sinh viên.
- Nhóm 2: kiến thức chuyên sâu. Là những kiến thức về ngành mà các bạn đang phỏng vấn, ví dụ như thiết kế RTL (RTL Design), kiểm tra thiết kế (Design Verification), Thiết kế cho kiểm tra (Design For Test), … Đây dĩ nhiên là kiến thức bắt buộc (mandatory) đối với vị trí kĩ sư có kinh nghiệm, và không bắt buộc (optional) đối với các bạn sinh viên mới ra trường.
- Nhóm 3: kiến thức bổ trợ, kiến thức thực hành. “Học phải đi đôi với hành”, kiến thức về thực hành tốt sẽ bổ trợ cho kiến thức lý thuyết, giúp quá trình làm việc hiệu quả. Kiến thức thực hành của một kĩ sư vi mạch gồm kĩ năng sử dụng tiếng Anh, kĩ năng sử dụng hệ điều hành Linux, kĩ năng soạn thảo và xử lý văn bản trên Linux, kĩ năng scripting, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng thuyết trình… Có nhóm kiến thức này thành thạo sẽ giúp các bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng vì họ không cần mất quá nhiều thời gian đào tạo và giúp bạn làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Trong khi nhóm kiến thức 1 gần như là như nhau đối với các bạn sinh viên thì kiến thức nhóm 2 và 3 chính là thứ giúp bạn nổi trội hơn phần còn lại, góp phần tăng tỉ lệ đậu của bạn khi phỏng vấn. Nhưng để có được kiến thức nhóm 2, 3, đặc biệt là nhóm 2, là điều không hề dễ dàng, đòi hỏi các bạn phải có quá trình chuẩn bị lâu dài. Để có được những kiến thức đó, các bạn phải là sinh viên của chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch, hoặc là thực tập sinh thiết kế vi mạch của một công ty bán dẫn nào đó, hoặc phải đăng ký một số khóa học thiết kế vi mạch của các trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch uy tín.
Ngoài ra, ôn lại các kiến thức đã viết trong CV là cực kì quan trọng.
Nếu bạn là một kĩ sư có kinh nghiệm, nhà tuyển dụng sẽ muốn hiểu rõ quá trình làm việc của bạn. Từng câu từng chữ trong CV bạn nên ôn lại, nếu công việc đã làm từ lâu thì ít nhất là phải nắm được những thứ cốt lõi. Chứ nếu nhà tuyển dụng hỏi đến đâu cũng nói quên rồi thì bạn sẽ bị mất điểm lớn.
Nếu bạn là một sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nhiều thì nhà tuyển dụng thường sẽ hỏi để biết được bạn đã làm những đồ án, luận văn gì, trong quá trình làm gặp khó khăn gì, làm sao để vượt qua, bạn có chủ động trong cách làm việc không, có tính sáng tạo, có tính chịu khó, có tính cầu tiến không …
Tóm lại, phải hiểu rõ những gì mình đã và đang làm chính là “key word” cho phần này.
3. Tìm hiểu về công ty và công việc bạn đang muốn làm
Việc này tưởng chừng như đơn giản nhưng rất nhiều bạn lại bỏ sót.
Trường hợp này thường gặp phải khi bạn “rải đơn” đi rất nhiều công ty theo bạn bè, không có thời gian tìm hiểu trước, hoặc bạn mải mê tập trung ôn tập kiến thức cao siêu mà quên đi những cái giản đơn nhất. Vậy nên, hãy bỏ ra thời gian để tìm hiểu:
- Lịch sử thành lập công ty.
- Công ty kinh doanh trong lĩnh vực gì, có bao nhiêu khâu thiết kế, quy mô hiện tại bao nhiêu kỹ sư …
- Công việc mình đang apply là làm những gì, có những khái niệm cơ bản nào, có những nhóm kiến thức nào …
Việc nắm rõ những thông tin này cho thấy bạn là người nghiêm túc với công việc và ghi điểm tốt trong mắt nhà tuyển dụng.
4. Dự đoán trước một số câu hỏi
Việc chuẩn bị trước một số câu hỏi giúp bạn không bị động khi nhà tuyển dụng hỏi. Dưới đây là một số câu hỏi thông dụng:
- Tại sao bạn lại nghỉ công ty cũ ? (dành cho các bạn kĩ sư có kinh nghiệm)
- Tại sao bạn lại quyết định nộp vào công ty này, bộ phận này ?
- Kế hoạch phát triển của bạn trong vòng 5 năm tới ?
- Bạn định gắn bó với công ty trong vòng bao lâu ?
- Bạn có tính đi học thạc sĩ không ?
- Bạn mong muốn một môi trường làm việc như thế nào ?
- Điểm mạnh, điểm yếu của bạn là gì ?
- Quá trình học thiết kế vi mạch của bạn như thế nào ? Đã làm qua những dự án, module nào ?
- …
5. Chuẩn bị một số câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy thất vọng và cho rằng bạn không nghiêm túc nếu bạn không có câu hỏi gì cho họ. Nên hãy cố gắng suy nghĩ và đặt ít nhất 3 câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Một số câu hỏi phổ biến bạn có thể tham khảo:
- Hỏi về cơ hội học tập và phát triển của bạn nếu được nhận vào làm.
- Hỏi về chiến lược và tham vọng của công ty.
- Hỏi về những thứ bạn chưa rõ khi nhà tuyển dụng giới thiệu.
- Hỏi về những điểm bạn chưa rõ trong quy trình thiết kế, trong bảng mô tả công việc (job description) mà bạn có
- …
Hi vọng những thứ đã nêu trên sẽ giúp bạn có được hành trang tốt nhất trước khi bước vào vòng phỏng vấn face to face với nhà tuyển dụng.
Hãy đón xem phần 2: KINH NGHIỆM TRONG LÚC PHỎNG VẤN
KINH NGHIỆM PHỎNG VẤN VIỆC LÀM NGÀNH THIẾT KẾ VI MẠCH (PHẦN 2 – PHỎNG VẤN TRỰC TIẾP) (ictc.edu.vn)
Bài viết liên quan:
Kinh Nghiệm Phỏng Vấn và Kiến Thức Cần Chuẩn Bị Cho Vị Trí Design Verification. (ictc.edu.vn)
———
Tìm hiểu lộ trình cho người mới bắt đầu để hiểu thêm về công việc, ngành nghề, đãi ngộ và những kiến thức cần thiết để học thiết kế vi mạch và tham gia vào thị trường vi mạch.
Lộ trình bắt đầu ngành vi mạch bán dẫn – Trung Tâm Đào Tạo Thiết Kế Vi Mạch ICTC
Hiện tại ICTC đang mở các khóa học thiết kế vi mạch từ cơ bản đến nâng cao, các bạn có thể tìm hiểu tại bài viết IC Overview – ICTC nhé.