Cuối tuần call trực tiếp để support các bạn học viên làm bài tập, tự nhiên mình nảy ra ý định viết đôi dòng về “kỹ năng hỏi”. Qua quá trình đồng hành cùng các bạn, tụi mình nhận ra một điểm chung là: đa số rất ngại hỏi. Không phải vì các bạn không có gì thắc mắc, mà là trong đầu có cả tá câu hỏi, nhưng tay thì cứ lướt qua lướt lại cái khung chat mà không dám gõ ra…
Tụi mình hiểu ai cũng có những nỗi lo riêng: sợ hỏi xong bị đánh giá, sợ làm phiền người khác, sợ hỏi mà vẫn không hiểu thì càng… ngại hơn, hoặc đơn giản là không biết phải bắt đầu từ đâu. Vì thế, lúc nào tụi mình cũng cố gắng tạo không khí học tập thật vui vẻ, cởi mở, giống như đang tám chuyện chứ không phải “tra hỏi”. Mình cũng chủ động cung cấp nhiều hình thức để các bạn tiện hỏi: hỏi riêng, hỏi nhóm, hỏi trực tiếp, hỏi ẩn danh… miễn là dám thể hiện điều mình chưa rõ.
Vấn đề là, hỏi – nghe thì đơn giản, nhưng lại là một kỹ năng quan trọng trong học tập, đi làm, và cả trong giao tiếp hàng ngày. Thế nhưng tại sao nhiều bạn lại ngại hỏi đến vậy?
Tại sao lại ngại hỏi?
Ở giảng đường đại học, nhiều bạn sinh viên mang tâm thế “ai hỏi kệ họ, tôi im là an toàn”, và thế là cả lớp… im thin thít như đang thi cuối kỳ. Không phải ai cũng lười đâu, nhưng cái sự ngại hỏi nó đến từ nhiều nguyên nhân: sợ bị quê vì hỏi xong thầy cô bảo “cái này trong slide có mà?”, sợ bạn bè nghĩ mình “hỏi ngờ u”, hoặc đơn giản là không biết diễn đạt sao cho rõ ý mà không bị lạc đề.
Thêm nữa, nhiều bạn đã quen với kiểu học “thầy đọc – trò chép” từ thời phổ thông, nên khi bước vào môi trường đại học, nơi mà tư duy phản biện được khuyến khích, lại hơi… lạ lẫm. Có người còn nghĩ: “Mình là sinh viên, biết gì mà hỏi thầy?” – và thế là tự tay đóng sập cánh cửa cơ hội học hỏi.
Không hỏi thì có sao?
Tin mình đi, không hỏi thì đi làm sẽ… toang. Không hiểu việc mà cứ gật đầu cho qua, đến lúc làm sai lại bị sếp gọi lên nói chuyện “nhẹ nhàng”: “này lúc đó anh nói này rõ rồi mà sao giờ em làm vầy?”. Không hỏi thì sẽ không hiểu sâu, không tiến bộ, mà trong môi trường doanh nghiệp, người chủ động luôn được đánh giá cao hơn người im lặng một cách huyền bí.
Nhưng hỏi quá nhiều, hỏi lan man thì cũng không ổn
Hỏi quá đà, hỏi kiểu “combo 5 câu” hoặc nhảy từ A đến Z không qua B – thì dễ bị người khác nhìn với ánh mắt có phần khó chịu “xin đừng hỏi nữa”. Hỏi không đúng lúc, không đúng người, hoặc cái gì cũng hỏi mà không chịu tìm hiểu trước thì chẳng những không được giúp, mà còn khiến người nghe thấy mệt.
Vậy làm thế nào dể hỏi đúng cách?
- Tự tìm hiểu trước khi hỏi
- Hỏi đúng trọng tâm – tránh vòng vo Tam Quốc
- Nêu bối cảnh rõ ràng, ngữ cảnh rõ ràng, có background, có nguyên nhân câu hỏi, tránh để người nghe vừa nghe vừa đoán.
- Giữ thái độ cầu thị, kiểu “Em chưa rõ đoạn này, anh/chị có thể giúp em hiểu hơn không ạ?”. Người được hỏi sẽ cảm thấy thoải mái chia sẻ hơn, không cảm thấy mình đang bị lấy mất thời gian.
- Và cuối cùng: Đừng quên cảm ơn
Vậy nên, hỏi không làm bạn mất điểm mà ngược lại, biết hỏi đúng lúc đúng chỗ sẽ khiến bạn trông vừa thông minh vừa hoạt bát trong mắt người khác. Còn hỏi giỏi thì có khi được thầy nhớ mặt, sếp để ý, cơ hội lên như diều gặp gió. Nên đừng im lặng nữa, vì hỏi là cách thể hiện bạn đang thực sự học và tìm hiểu
