Không cần phải nói về độ nóng của lĩnh vực vi mạch trong thời gian gần đây. Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với lĩnh vực công nghệ cao, nhất là khi các nhà lãnh đạo và xã hội đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của chip trong kỷ nguyên số và quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa của đất nước.
Như các bạn đã biết, kể từ năm nay, các trường đại học khắp cả nước đã ồ ạt mở ngành thiết kế vi mạch – tập trung vào lĩnh vực thiết kế và ngành vật liệu/công nghệ bán dẫn – tập trung vào sản xuất, đóng gói, kiểm thử. Tụi mình cũng nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn rằng học ngành nào sẽ có tương lai hơn, liệu chúng ta chưa có nhà máy sản xuất chip thì học công nghệ bán dẫn ra có việc làm ko, v.v… Đây là một chủ đề thú vị, nhất là trong bối cảnh thị trường chip đang thu hút sự chú ý lớn. Vậy, giữa hướng đi sản xuất (fab) và thiết kế (fabless), đâu là con đường phù hợp nhất cho Việt Nam?
Khi nhắc đến việc sản xuất (fab) chip, nhiều người đặt câu hỏi liệu Việt Nam có nên theo đuổi hướng đi này không. Thực tế là đầu tư vào một nhà máy sản xuất chip yêu cầu nguồn vốn lớn và công nghệ cao, điều mà Việt Nam hiện chưa sẵn sàng về mặt tài chính và nhân lực. Các quốc gia lớn trên thế giới cũng không phải quốc gia nào cũng có fab, và ngay cả các tập đoàn lớn như Samsung hay TSMC cũng phải cân nhắc rất kỹ trước khi đầu tư vào việc xây dựng một fab mới ở nước ngoài.
Vì vậy, hướng đi “fabless” – tập trung vào thiết kế chip mà không cần sở hữu nhà máy sản xuất – có vẻ hợp lý hơn cho Việt Nam. Dù vậy, fabless cũng không phải là con đường dễ dàng, vì đòi hỏi phải có một thị trường đầu ra vững chắc. Hiện tại, thị trường trong nước của Việt Nam còn nhỏ và chưa đủ phát triển để hỗ trợ cho ngành công nghiệp này.
Một điểm nữa cần lưu ý là Việt Nam vẫn đang phát triển và nâng cao trình độ kỹ sư trong ngành vi mạch. Với sự tham gia ngày càng nhiều của các kỹ sư Việt trong các công ty quốc tế, kiến thức và kỹ năng của họ sẽ ngày càng được cải thiện. Trong tương lai, khi số lượng kỹ sư chủ động thiết kế chip tăng lên và thị trường đủ mạnh, các công ty fabless nội địa sẽ xuất hiện một cách tự nhiên.
Ngoài ra, chúng ta cũng đang định hướng phát triển mảng OSAT (lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm bán dẫn). Việc phát triển mạnh mảng này có thể giúp giải quyết tình trạng khan hiếm chip trên toàn cầu và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam, tương tự như cách Malaysia đã thành công trong lĩnh vực này.