Cuộc thi Thiết kế vi mạch là cuộc thi nhằm thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Việt Nam, tạo tiền đề cho phát triển nền tảng công nghệ Internet vạn vật (Internet of Things – IoT), công nghệ tính toán biên (Edge Computing) và công nghệ Trí tuệ nhân tạo, khuyến khích và tôn vinh các tài năng trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện tử – vi mạch, đưa Việt Nam trở thành Trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới.

1. Đơn vị chủ trì: Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Đơn vị phối hợp:
– Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.
– Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
– Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh.
– Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
– Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam.
– Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng
– Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng.
– Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ.
3. Đơn vị thực hiện:
– Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao.
– Phòng Quản lý Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế.
– Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
– Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao.
THÔNG TIN CHUNG
1. Tên cuộc thi: Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 2 năm 2024.
2. Đối tượng:
– Tất cả các bạn sinh viên, học viên tại các trường đại học, cao đẳng, học viện trên toàn quốc, muốn thiết kế vi mạch, có ý tưởng, dự án, đề tài nghiên cứu ứng dụng.
– Thí sinh đăng ký cá nhân hoặc theo đội (tối đa đến 05 thành viên).
3. Hình thức: Đăng ký trực tuyến theo biểu mẫu được công khai trên website chính thức của Cuộc thi, các kênh truyền thông của các đơn vị thực hiện và các đối tác đồng hành hoặc được gửi trực tiếp qua email.
4. Thời gian: từ tháng 11/2024 đến tháng 5/2025.
5. Quy mô: Toàn quốc. Địa điểm chính tập trung tại 03 thành phố lớn: Thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Đà Nẵng, và thành phố Hà Nội.
6. Nội dung:
– Tập trung vào lập ý tưởng, thiết kế và thực hiện các sản phẩm vi mạch nhằm phục vụ hoặc có liên quan đến hoạt động thúc đẩy xây dựng đô thị xanh.
– Đặt ra những bài toán thiết kế vi mạch khuyến khích hướng vào việc phục vụ các lĩnh vực có nhu cầu sử dụng vi mạch bán dẫn để tăng hiệu quả và giá trị của sản phẩm và dịch vụ như công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, công nghiệp y tế,… mà hạn chế gây ra tổn hại môi trường.
– Không giới hạn về ý tưởng cũng như về các lĩnh vực của các nhóm tham gia dự thi.
CHƯƠNG TRÌNH CHI TIẾT
Mở cổng đăng ký, tiếp nhận và tổng hợp danh sách nhóm dự thi: từ 12 giờ 00 phút, ngày 02/12/2024 đến hết ngày 10/3/2025.
1. Lễ công bố: tháng 12/2024
– Thực trạng và vai trò của ngành thiết kế vi mạch trong sự phát triển ngành công nghiệp điện tử – vi mạch tại Việt Nam.
– Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế vi mạch tại thị trường Việt Nam.
– Chính thức phát động Cuộc thi.
Ngoài địa điểm tổ chức chính ở Thành phố Hồ Chí Minh thì còn có 02 điểm cầu trực tuyến tại Hà Nội do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam phụ trách và tại Đà Nẵng do Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng phụ trách.
2. Vòng sơ tuyển ý tưởng: tháng 3/2025
– Các nhóm dự thi đưa ra ý tưởng thiết kế vi mạch cho một trong các lĩnh vực ứng dụng.
– Các nhóm dự thi phải trình bày ý tưởng của mình bằng văn bản, bao gồm mô tả chức năng, kiến trúc, đặc tính và ưu điểm của vi mạch.
– Ban Tổ chức và Hội đồng giám khảo lựa chọn ra 25-30 ý tưởng tốt nhất tham gia tiếp vào Vòng hoàn thiện sản phẩm.
* Tiêu chí đánh giá: tính mới và tính hữu ích.
3. Vòng hoàn thiện sản phẩm: từ tháng 3/2025 tới tháng 4/2025
– Các nhóm dự thi phải triển khai ý tưởng của mình thành một sản phẩm hoàn chỉnh (sản phẩm có thể là 1 bản vẽ thiết kế có kết quả mô phỏng và đánh giá, hoặc một lõi IP được thiết kế có tích hợp trên phần cứng có sẵn).
– Các nhóm dự thi phải hoàn thành giai đoạn 1 từ các công đoạn như thiết kế logic, mô phỏng và kiểm tra thiết kế hoặc hoàn thành thêm giai đoạn 2 từ thiết kế vật lý, đánh giá thời gian và kiểm tra sau thiết kế vật lý.
– Sản phẩm vi mạch sau cùng là bản layout dưới dạng file *.gds và các kết quả mô phỏng kiểm chứng.
– Trong quá trình triển khai ý tưởng, các nhóm dự thi được tham gia đào tạo cách thiết kế, xây dựng các bài toán thiết kế vi mạch, được giới thiệu về các kiến thức cơ bản và nâng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn, các bài toán thiết kế tiêu biểu và các giải pháp hiện có từ các chuyên gia vi mạch – điện tử của Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao, các doanh nghiệp/tập đoàn lớn. Việc tham gia các khóa đào tạo là không bắt buộc.
Sau thời gian đào tạo và hoàn thiện sản phẩm, Hội đồng chuyên môn sẽ đánh giá lại sản phẩm của các nhóm dự thi để lựa chọn ra sản phẩm tốt nhất tham gia Vòng đánh giá chuyên môn.
* Tiêu chí đánh giá: tính mới về kỹ thuật, công nghệ (công suất thấp, năng lượng tiêu thụ thấp, tốc độ cao, diện tích nhỏ gọn) hoặc các tiêu chí về công nghệ khác.
4. Vòng đánh giá chuyên môn: tháng 5/2025
– Hội đồng giám khảo đánh giá, nhận xét về mặt chuyên môn đối với các nhóm dự thi đã tham gia đầy đủ các hoạt động và chương trình trong khuôn khổ Vòng hoàn thiện sản phẩm.
– Hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, đại diện của các doanh nghiệp sản xuất và thiết kế vi mạch bán dẫn, đại diện của các trường đại học, viện nghiên cứu và đại diện của Ban Tổ chức.
– Các nhóm dự thi phải giải thích ý tưởng, kiến trúc, đặc tính và ưu điểm vi mạch của dự án, cũng như trả lời các câu hỏi của Hội đồng giám khảo.
– Dựa trên kết quả đánh giá, Ban Tổ chức lựa chọn ra 07-10 dự án tốt nhất tham gia Vòng chung kết xếp hạng.
* Tiêu chí đánh giá: tính cần thiết của sản phẩm (ý tưởng), sản phẩm demo (sản phẩm dự thi), file báo cáo và video demo.
5. Vòng chung kết và lễ tổng kết trao giải: tháng 5/2025
– Hội đồng giám khảo đánh giá, xếp hạng nhóm dự thi vượt qua Vòng đánh giá chuyên môn.
– Hội đồng giám khảo bao gồm đại điện Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, nhà tài trợ và Hội đồng chuyên môn.
– Các nhóm dự thi trình bày sản phẩm của mình trước Hội đồng giám khảo và khán giả, có thể sử dụng các phương tiện trình bày như slide, video, demo hoặc mô hình.
– Ban Tổ chức tổng kết các hoạt động trong khuôn khổ Cuộc thi và phát động Cuộc thi lần 3.
* Tiêu chí đánh giá: tính ứng dụng của sản phẩm dự thi, tác động kinh tế – xã hội mà dự án đem lại, kỹ năng trình bày và phản biện của nhóm dự thi.
* Xếp hạng: mức độ tham gia Vòng hoàn thiện sản phẩm (tính chuyên cần), kết quả Vòng đánh giá chuyên môn (tính chuyên môn), kết quả Vòng chung kết (khả năng trình bày và phản biện).
Form đăng ký: