Hành Trình Bắt Đầu Của Kỹ Sư Vi Mạch
Trước đây, Việt Nam chưa có ngành đào tạo chuyên sâu về vi mạch. Hầu hết các kỹ sư vi mạch hiện tại được chuyển từ các ngành liên quan như điện tử viễn thông và kỹ thuật máy tính. Họ thường được trang bị những kiến thức cơ bản như kỹ thuật số, vi xử lý, xử lý tín hiệu số, và vi mạch số FPGA. Khi bắt đầu làm việc, các kỹ sư này thường phải trải qua 2-3 tháng đào tạo lại từ đầu trong công ty, trước khi tham gia vào các dự án thực tế. Sau khoảng 2 năm, họ mới có thể bắt đầu làm việc một cách tự chủ.
Thực Trạng Tuyển Dụng
Như đã phân tích, sau khoảng 2 năm, các kỹ sư mới có thể làm việc độc lập ở mức cơ bản, vì vậy các công ty thường ưu tiên tuyển dụng những kỹ sư có ít nhất 2 năm kinh nghiệm. Chỉ có các công ty lớn mới thường xuyên tuyển dụng sinh viên mới ra trường, trong khi các công ty nhỏ hơn thường tập trung vào tuyển dụng kỹ sư đã có kinh nghiệm. Số lượng công ty lớn không nhiều, chỉ khoảng 5 công ty có từ 300 kỹ sư trở lên. Trong khi đó, khoảng 30 công ty khác có quy mô nhân sự trung bình dưới 100 kỹ sư.
Các công ty quy mô nhỏ thường chỉ có kế hoạch tuyển dụng một số lượng khá hạn chế sinh viên mới tốt nghiệp hàng năm, thậm chí là không có kế hoạch tuyển dụng vì phải tốn công đào tạo. Họ chỉ tích cực tìm kiếm sinh viên mới ra trường khi không tìm được kỹ sư có kinh nghiệm, và tuyển dụng cũng rất gắt gao để tìm được những bạn sinh viên ưu tú nhất. Việc các công ty nhỏ hơn sẵn sàng trả lương rất cao để thu hút các kỹ sư có kinh nghiệm từ các công ty lớn làm cho các công ty này, dù tích cực tuyển dụng sinh viên mới ra trường, cũng nhận ra rằng sau khi được đào tạo một thời gian, nhân viên thường chuyển sang công ty khác, dẫn đến việc họ cũng dần giảm quy mô tuyển dụng sinh viên mới ra trường.
Cơ Hội Nào Cho Thị Trường Việc Làm Trong Tương Lai?
Các trường đại học đã bắt đầu đào tạo chính quy về ngành vi mạch. Theo nghiên cứu, chuẩn đầu ra của sinh viên mới tốt nghiệp sẽ tương đương với kỹ sư có 1-2 năm kinh nghiệm, có thể làm việc ngay sau khi ra trường. Chương trình đào tạo bao gồm cả thiết kế vi mạch số (front-end và back-end), thiết kế vi mạch tương tự và mixed signal. Sinh viên sẽ được chọn chuyên ngành mà mình mong muốn theo đuổi.
Với các chương trình đào tạo chuyên sâu này, các doanh nghiệp sẽ không còn phải sợ tốn công đào tạo lại từ đầu nữa. Các công ty quy mô nhỏ có thể tuyển dụng ngay một bạn mới ra trường đúng chuyên ngành vào làm mà không phải mất quá nhiều công sức và chi phí đào tạo, hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho thị trường việc làm vi mạch.
Nhận Định Thị Trường Việc Làm Sắp Tới
Lứa sinh viên được đào tạo bài bản đầu tiên sẽ ra trường trong vòng 4 năm nữa, vì vậy nhân sự trong ngành chip trong ngắn hạn sẽ khó thay đổi. Sau khi các sinh viên đào tạo chính quy về vi mạch ra trường, các sinh viên từ các ngành khác sẽ khó cạnh tranh được như hiện nay. Hiện tại vẫn có những trường hợp sinh viên trái ngành có thể apply thành công vào ngành vi mạch, nhưng điều này sẽ trở nên khó khăn hơn trong tương lai.
Thị trường bán dẫn thế giới đang phục hồi sau đại dịch, các công ty ngày càng mở rộng quy mô, đòi hỏi số lượng kỹ sư rất lớn nên số lượng kỹ sư có kinh nghiệm hiện tại không đáp ứng được nhu cầu. Họ sẽ phải tính đến phương án liên kết với trường đại học, làm event thường xuyên để nâng cao danh tiếng, thương hiệu để thu hút các bạn sinh viên ưu tú mới ra trường. Triển vọng tuyển dụng trong vài năm sắp tới là khá sáng sủa.
Cần Làm Gì Để Trở Thành Kỹ Sư Vi Mạch Trong Ngắn Hạn Và Dài Hạn?
Trong dài hạn, lựa chọn tốt nhất là theo học ngành thiết kế vi mạch tại các trường đại học.
Trong ngắn hạn, các bạn cần trau dồi cả kỹ năng cứng và mềm để có thể cạnh tranh trong môi trường tuyển dụng khắt khe. Một số gợi ý gồm:
- Đạt điểm GPA tốt, đặc biệt ở các môn liên quan đến vi mạch.
- Trau dồi kiến thức nền thật tốt để vượt qua các bài kiểm tra đầu vào.
- Luyện tiếng Anh thật tốt, vì đây là yếu tố quan trọng chiếm 30-40% cơ hội được nhận.
- Trang bị kỹ năng trả lời phỏng vấn và viết CV.
- Nắm vững các kỹ năng cần thiết cho kỹ sư vi mạch như Linux, Vim, scripting, và version control.
- Tăng cường thực hiện các dự án cá nhân, đóng góp trên Github, và nghiên cứu học thuật để tạo ấn tượng tốt trong CV.
Hy vọng bài viết trên đã mang đến cho bạn một góc nhìn tổng quan về cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch. Chúc các bạn thành công.