Ở phần trước chúng ta đã cùng điểm qua các thông tin cơ bản về một CV của kỹ sư vi mạch như tầm quan trọng của CV, chức năng của CV, các mục cần có trong CV, …
Ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng phân tích một CV đã giúp chính Founder Thông nhận được các Offer của các công ty vi mạch top đầu tại Việt Nam như Marvell, Ampere và sau đó là nhận Offer của NSING tại Singapore. Hi vọng sau khi phân tích một CV thực tế, các bạn sẽ có một cái nhìn rõ hơn về cách viết cũng như trình bày CV.
Nội dung bài viết dựa trên kinh nghiệm viết CV và phỏng vấn của mình, các bạn không nhất thiết làm theo giống 100% mà nên tham khảo từ nhiều nguồn nhé.
Chúng ta cùng bắt đầu nha!
I. CV Của Founder Thông
Trên đây là CV của mình đã được chắt lọc lại các nội dung phù hợp cho việc apply vị trí kỹ sư DV – Design Verification. Ngoài ra mình cũng để lại một số nội dung khác có thể không liên quan trực tiếp nhằm minh họa cho một CV của các bạn sinh viên chưa có quá nhiều kỹ năng, kinh nghiệm đi làm.
Lưu ý: CV này đã được lược bỏ bớt để minh họa cho bài viết. Nếu các bạn muốn tham khảo CV mới nhất của mình thì có thể truy cập LinkedIn nha: https://www.linkedin.com/in/thong-la-nguyen/
II. Phân Tích CV
Các mục của CV gồm:
- Thông tin cá nhân
- Kỹ năng, kiến thức
- Kinh nghiệm làm việc
- Các dự án đã làm
- Bài báo khoa học (nếu có)
- Giải thưởng, chứng nhận (nếu có)
- Hoạt động ngoại khóa (nếu có)
- Học vấn
Độ dài của CV nên giới hạn trong 1 trang đối với các bạn sinh viên, mới ra trường. Hãy tập trung vào việc viết ngắn gọn nhưng đầy đủ ý các nội dung của bạn. Chúng ta đã đề cập vấn đề này ở phần 1.
Định dạng: một cột
Lí do chúng ta chọn 1 cột là để tiết kiệm không gian nội dung, tránh chừa quá nhiều khoảng trống. Bố cục một cột cũng giúp người đọc dễ đọc hơn vì nó giống như định dạng văn bản thông thường. Ngoài ra, bố cục một cột đơn giản giúp các phần mềm đọc và lọc CV hạn chế tối đa sai sót khi xử lý CV của bạn.
Ngoài ra, chúng ta hạn chế tối đa chèn link ngoài. Các link liên kết chỉ nên có tác dụng bổ sung thông tin, không nên phụ thuộc vào liên kết ngoài để trình bày các nội dung kinh nghiệm, kiến thức của bản thân vì gần như nhà tuyển dụng hay phần mềm lọc CV sẽ không bao giờ bấm vào link của bạn.
1. Thông tin cá nhân
Phần này thì khá đơn giản, chúng ta sẽ có:
- Tên
- Email (để nhà tuyển dụng có thể liên lạc)
- Số điện thoại (nếu muốn)
- Các trang web liên quan: LinkedIn, GitHub
- Khu vực, địa chỉ: Phần này theo mình tham khảo và đánh giá thì cũng không nên ghi để tránh bị lọc dựa trên khu vực vì những lí do khách quan (quá xa công ty, …)
- Hình ảnh cá nhân: mình vẫn chưa chắc là phần này có nên để hay không. Cá nhân mình thì không để phần này vì theo một số tham khảo thì sẽ có khả năng CV chúng ta bị đánh giá qua ngoại hình một cách khách quan, vô thức. Đồng thời hình ảnh cũng chiếm đi diện tích chúng ta có thể dùng để trình bày nội dung.
2. Kỹ năng, kiến thức:
Mình minh họa phần này khá dài. Các bạn chỉ nên lọc ra các kỹ năng phù hợp với vị trí đang ứng tuyển để liệt kê ra thôi nhé. Trong phần này, các bạn có thể thấy mình đã liệt kê đầu tiên là các kỹ năng cần thiết cho vị trí kỹ sư kiểm tra RTL – DV của mình bao gồm:
- Các công cụ mình dùng: VCS, Questa
- Các ngôn ngữ về phần cứng: UVM, SystemVerilog, Verilog
- Các ngôn ngữ lập trình: C, Python, Bash
- Các giao thức (protocol): AXI, APB, CHI, …
- Các module, chức năng đã làm qua: DMA, CM4, TCM, …
- Các phần mềm trong ngành: Git, LSF, Verdi
- Các kỹ năng: Simulate, verify, scripting
Các bạn có thể thấy với cách trình bày nội dung như trên, nhà tuyển dụng ngay lập tức đánh giá được trình độ của bạn chỉ từ một vài dòng đầu của CV.
Ngoài ra, mình còn liệt kê thêm một số kỹ năng mềm và một số kiến thức, kỹ năng khác liên quan đến công nghệ, lập trình mà mình biết. Đối với các bạn sinh viên nếu CV của mình chưa có quá nhiều kỹ năng, kiến thức vi mạch thì có thể và nên bổ sung 1 ít các kỹ năng này để tránh CV của bạn quá “mỏng”.
3. Kinh nghiệm đi làm
Trong phần này chúng ta sẽ liệt kê các kinh nghiệm đi làm của các bạn. Đối với mình ở thời điểm apply vào Marvell thì đây là những công việc mình tự tìm làm trong thời sinh viên như làm ở cửa hàng máy tính, làm website, …
Khi liệt kê các công việc này chúng ta chú ý những điểm sau:
- Dùng những động từ mạnh: Lead, developed, built, … tránh dùng các động từ hơi “yếu” như supported, helped, learned, …
- Cố gắng trình bày nội dung một cách có thể đong đếm được: ví dụ như đóng góp của bạn tăng bao nhiêu % hiệu suất, tiết kiệm bao nhiêu thời gian, … => Những ý này chúng ta nên đưa lên đầu
- Ghi cụ thể các công nghệ, công cụ, kỹ năng mà bạn thông qua các đầu mục
- Trau chuốt nội dung, từ ngữ thật ngắn gọn, nhưng chi tiết để người đọc có thể hiểu được kinh nghiệm của bạn, đừng ghi quá chung chung
- Các mục nổi bật chúng ta đưa lên đầu
Ngoài ra, hãy nhớ là CV của bạn sẽ là tiền đề cho buổi phỏng vấn. Hãy nhớ trình bày đầy đủ các điểm mạnh, thành tựu của bản thân để nhà tuyển dụng có thể đặt ra những câu hỏi đúng vào thế mạnh của bạn, tránh trường hợp CV của chúng ta khó “làm chủ đề”.
4. Các dự án đã làm
Đối với các bạn sinh viên thì phần này thường chúng ta sẽ có nhiều hơn là các kinh nghiệm đi làm. Về nội dung cũng như cách trình bày thì chúng ta cũng sẽ làm theo giống như phần “Kinh nghiệm đi làm”.
5. Bài báo khoa học
Đối với một số bạn trong quá trình làm luận văn, chúng ta có thể được xuất bản bài báo khoa học. Đây là một thành tích khá tốt đối với một bạn sinh viên nên chúng ta sẽ chia riêng thành một phần.
6. Giải thưởng, chứng nhận
Phần này chúng ta liệt kê các giải thưởng, chứng nhận mà mình đạt được. Thường chúng ta sẽ liệt kê các chứng chỉ tin học, tiếng anh như IELTS, TOEIC và các giải thưởng trong các cuộc thi ở Đại Học.
7. Hoạt động ngoại khóa
Nếu các bạn có các hoạt động ngoại khóa nổi bật thì chúng ta sẽ liệt kê ở phần này.
8. Học vấn
Ở phần này thì chúng ta sẽ liệt kê trường đại học, ngành học, kết quả học tập, … Về phần điểm thì trong trường hợp của mình thì không ghi do điểm mình không quá nổi bật. Các bạn có thể cân nhắc, cũng có một số công ty sẽ yêu cầu gửi bảng điểm đính kèm nên mình thấy phần này không cần thiết.
III. Kết Bài
Vậy là chúng ta đã phân tích xong cách viết một CV thật chất lượng cho việc apply vào vị trí kỹ sư vi mạch. Các bạn có thể tham khảo thêm các kiến thức, gợi ý viết CV cho ngành kỹ thuật ở link sau: https://www.reddit.com/r/EngineeringResumes/wiki/index/
Hi vọng bài viết này đã giúp ích cho các bạn trong việc hoàn chỉnh một CV thật xịn xò cho bản thân để tăng khả năng được nhận vào các công ty vi mạch nhé!
Tất nhiên, nếu muốn có một CV đẹp thì chúng ta cần có những kiến thức và kỹ năng thật sự. Để bổ sung thêm các kiến thức thực tiễn về ngành thiết kế vi mạch với đội ngũ giảng viên dày dạn kinh nghiệm từ các công ty vi mạch hàng đầu, các bạn có thể tham khảo các khóa học thiết kế vi mạch đang chuẩn bị khai giảng tại ICTC nhé!
https://ictc.edu.vn/khoa-hoc-vi-mach/