Độ “hot” của từ khóa “vi mạch” gần đây là không cần phải bàn cãi.
Gần đây ICTC nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên và các bạn đã đi làm rằng làm sao để có thể chuyển sang làm việc trong lĩnh vực vi mạch.
Bài viết sau đây thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả về vấn đề này.
Thế nào là “trái ngành” ?
Thực ra “vi mạch” có rất nhiều công đoạn, bài viết này chỉ đề cập đến công đoạn thiết kế – là khâu chủ đạo của vi mạch Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Trước tiên, để thảo luận về việc chuyển từ “trái ngành” sang vi mạch, chúng ta cần làm rõ khái niệm về “trái ngành”. Như các bạn đã biết, thiết kế vi mạch được quy hoạch thuộc nhóm ngành điện tử. Nên chúng ta có thể định nghĩa một cách đơn giản “trái ngành” là các ngành học không trực tiếp liên quan đến lĩnh vực điện tử.
Tuy nhiên, định nghĩa này vẫn còn hơi chung chung, chúng ta hãy cùng làm rõ hơn.
Hãy cùng tham khảo chương trình đào tạo khoa Điện-Điện Tử của Đại học Bách Khoa TPHCM để tìm hiểu những môn có liên quan đến thiết kế vi mạch.
Môn cơ sở ngành:
- Kỹ thuật số
- Hệ thống máy tính và ngôn ngữ lập trình
- Mạch điện
- Mạch điện tử
- Vi xử lý
Môn chuyên ngành:
- Thiết kế vi mạch
Môn Tự chọn:
- Xử lý tín hiệu số với FPGA
- Cấu trúc máy tính
- Thiết kế vi mạch số
- Thiết kế vi mạch tương tự và hỗn hợp
Đó là chưa kể từ năm nay, đại học Bách Khoa TPHCM sẽ mở thêm chuyên ngành thiết kế vi mạch, hứa hẹn đào tạo chuyên sâu hơn về ngành này.
Qua đây chúng ta có thể định nghĩa một cách rõ ràng hơn, “trái ngành” là không được đào tạo những môn liên quan đã liệt kê ở trên, đó là những môn “cơ sở ngành” và môn “chuyên ngành” của thiết kế vi mạch.
Phân loại mức độ trái ngành
Về mức độ trái ngành thì tác giả tạm chia ra thành 3 nhóm:
- Nhóm 1: Những bạn thuộc ngành điện – điện tử nhưng không theo hướng vi mạch: tự động hóa, viễn thông, nhúng, điện năng… và đâu đó cũng là các bạn kỹ thuật máy tính. Tác giả đã từng có bài viết về vấn đề này, các bạn có thể tham khảo tại đây.
- Nhóm 2: Những bạn không thuộc ngành điện điện tử nhưng thuộc các ngành kỹ thuật khác: khoa học máy tính, cơ khí, ô tô …
- Nhóm 3: Những bạn thuộc các nhóm ngành khác: nhóm ngành kinh tế, môi trường, xã hội, báo chí …
Tác giả sẽ không tập trung vào việc đánh giá các bạn trái ngành có khả năng chuyển ngành được hay không vì điều kiện của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Ở đây tác giả chỉ tập trung vào những khó khăn mà các bạn có thể sẽ gặp phải, từ đó các bạn sẽ có được phương án và lựa chọn cho riêng mình.
Nhóm 1
Thuận lợi:
- Đã được đào tạo các môn cơ sở ngành
Khó khăn:
- Gần như là không gặp quá nhiều khó khăn vì các bạn đã nắm được kiến thức nền tảng.
Một số gợi ý:
- Ôn lại thật kĩ kiến thức nền tảng
- Đăng kí học các môn chuyên ngành TKVM (nếu còn là sinh viên)
- Đăng kí học văn bằng 2 hoặc học thạc sĩ TKVM.
- Bổ sung kiến thức vi mạch và các dự án thực tế thông qua các khóa học thiết kế vi mạch tại các trung tâm đào tạo vi mạch uy tín.
Tác giả đánh giá về độ khó trong việc chuyển ngành cho các bạn nhóm này là 3/10.
Nhóm 2
Thuận lợi:
- Được đào tạo, làm việc về kĩ thuật, có mindset về kĩ thuật.
- Có kiến thức về lập trình, giải thuật, kiến trúc máy tính (các bạn khoa học máy tính)
Khó khăn:
- Chưa được học các môn nền tảng
- Chưa có kiến thức giải thuật, lập trình căn bản (đối với các bạn không phải khoa học máy tính)
- Lượng kiến thức chuyên ngành lớn cần phải tiếp thu
Một số gợi ý:
- Học các kiến thức nền tảng cần thiết cho vi mạch (điều kiện tiên quyết)
- Đăng kí học văn bằng 2 ngành thiết kế vi mạch
- Học về giải thuật, lập trình cơ bản (đối với các bạn không phải khoa học máy tính)
- Bổ sung kiến thức vi mạch và các dự án thực tế thông qua các khóa học thiết kế vi mạch tại các trung tâm đào tạo vi mạch uy tín.
Tác giả đánh giá về độ khó cho các bạn ngành khoa học máy tính là 5/10, các bạn khác là 7/10.
Nhóm 3
Thuận lợi:
- Gần như không có thuận lợi nào, có chăng đó là kĩ năng tiếng Anh, kĩ năng mềm.
Khó khăn:
- Chưa có mindset “kỹ thuật”
- Chưa có tư duy lập trình, giải thuật
- Chưa được đào tạo các môn nền tảng
- Phải tiếp thu lượng kiến thức chuyên ngành cực kì lớn
Một số gợi ý:
- Tác giả nghĩ phương án khả dĩ nhất là các bạn nên đăng kí đào tạo bậc đại học hoặc văn bằng 2 ngành điện-điện tử, thiết kế vi mạch nếu các bạn thật sự quyết tâm.
Tác giả đánh giá về độ khó cho các bạn nhóm này là 10/10.
Những khó khăn và thách thức khác
Ngoài các khó khăn về kiến thức nói trên, còn có các yếu tố khác ảnh hưởng đến việc chuyển ngành có thể liệt kê ra dưới đây
- Độ tuổi: độ tuổi rất quan trọng trong việc chuyển ngành, độ tuổi sẽ ảnh hưởng đến:
- Khả năng tiếp thu: với lượng kiến thức lớn như trên thì một bạn sinh viên khoảng 20 21 tuổi sẽ học rất nhanh, càng lớn tuổi khả năng tiếp thu càng giảm sút, đây cũng là 1 khó khăn lớn.
- Khả năng tập trung: tuổi càng lớn sẽ có áp lực cơm áo gạo tiền cho gia đình, con cái, bố mẹ già nên khả năng tập trung vào việc học cái mới (chưa mang lại thu nhập tức thời) sẽ không được tốt.
- Tỷ lệ chọi: ngành này hiện đã rất hot, số lượng kĩ sư hàng năm ra trường rất lớn, sẽ rất khó khăn cho bạn trong việc cạnh tranh với các bạn trẻ được đào tạo bài bản. Ví dụ vừa rồi 1 công ty cho 15-20 slot thực tập nhưng đã nhận được hơn 200 đơn apply.
- Sự đón nhận của nhà tuyển dụng: với các yếu kể tố trên, sẽ rất khó khăn để có thể vào được vòng phỏng vấn. Nhà tuyển dụng sẽ có xu hướng ưu tiên hơn cho các bạn được đào tạo đúng chuyên ngành. Sự khó khăn này sẽ ngày càng tăng lên theo độ tuổi của bạn. Độ tuổi làm việc lý tưởng là dưới 30 tuổi. Liệu nhà tuyển dụng có chấp nhận rủi ro để tuyển một fresher đã gần hết độ tuổi lao động lý tưởng thay vì một bạn sinh viên mới ra trường trẻ khỏe, năng động, nhiệt huyết ? Đây có thể là rào cản lớn nhất mà bạn sẽ phải đối mặt nếu muốn chuyển ngành.
Lời kết:
Chuyển ngành là một việc hệ trọng và là nhu cầu chính đáng để tìm kiếm một công việc tốt hơn, thu nhập tốt hơn. Chuyển từ 1 ngành kỹ thuật khác sang vi mạch đã khó, chuyển từ một ngành không phải kỹ thuật lại khó hơn gấp nhiều lần, lượng kiến thức căn bản rất lớn đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian và sự đầu tư, công sức. Tuy rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng nếu thực sự quyết tâm thì cứ theo đuổi ước mơ đi bạn nhé. Nhưng xin nhắc lại là phải thực sự nghiêm túc và có lộ trình cụ thể, đôi khi phải kèm theo chút may mắn nữa thì mới có thể thành công được, ví dụ có quen biết với những người tuyển dụng, HR, người đứng đầu bộ phận của một công ty thiết kế chấp nhận cho vào phỏng vấn, thử việc, thực tập …
Chúc các bạn có sự lựa chọn đúng đắn và thành công với quyết định của mình nhé.
—————————————