Hello các bạn, cũng một thời gian lâu rồi kể từ khi mình viết bài đầu tiên về vấn đề phỏng vấn. Nay chúng ta sẽ cùng đi tới phần 2, kinh nghiệm trả lời phỏng vấn cho kĩ sư vi mạch nhé.
Các bạn có thể xem phần 1 ở đây:
KINH NGHIỆM PHỎNG VẤN VIỆC LÀM NGÀNH THIẾT KẾ VI MẠCH (Phần 1 – Chuẩn Bị) (ictc.edu.vn)
Đối với fresher, bước phỏng vấn trực tiếp thường diễn ra sau phần sàng lọc CV hoặc bài test về technical. Còn đối với kỹ sư có kinh nghiệp thì thường không phải trải qua bước sàng lọc này.
Phỏng vấn giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn trực tiếp về các ứng viên tiềm năng, từ đó lựa chọn ứng viên phù hợp với nhóm/công ty dựa trên các tiêu chí đặc thù riêng của từng nhà tuyển dụng, nhưng thường là:
- kinh nghiệm, khả năng làm việc hiện tại
- khả năng giải quyết vấn đề, tư duy logic
- phù hợp với văn hóa tổ chức
- khả năng đóng góp trong dài hạn
- khả năng phát triển trong tương lai
1. Nhóm câu hỏi về kinh nghiệm, khả năng làm việc hiện tại.
Nhóm câu hỏi này sẽ xoay quanh về CV của bạn, xem bạn đã từng làm những dự án gì, mức độ am hiểu của bạn về công việc cũng như giúp nhà tuyển dụng đánh giá được kinh nghiệm của bạn có phù hợp với công việc hay không.
Thường các nhà tuyển dụng sẽ hỏi rất sâu về từng kinh nghiệm mà bạn ghi trong CV, vì vậy hãy chuẩn bị thật kĩ lưỡng nhé.
Kinh nghiệm trong phần này:
- Nếu bạn không hiểu hoặc chưa nắm rõ câu hỏi, hãy hỏi lại để làm rõ trước khi trả lời. Hãy chắc chắn rằng mình đã hiểu rõ câu hỏi để tránh trả lời sai từ đầu. Nhà tuyển dụng luôn thích các ứng viên có tính cẩn thận, kiểm tra mọi thứ trước khi bắt đầu làm việc.
- Nếu bạn gặp một câu hỏi quá hóc búa mà hoàn toàn không có câu trả lời, hãy dũng cảm nói rằng mình không biết. Đôi khi nhà tuyển dụng không cần bạn phải trả lời toàn bộ các câu hỏi mà chỉ bạn nắm vấn đề ở một mức nhất định. Nhưng điều này không đồng nghĩa với câu nào bạn cũng có thể nói không biết nhé. Lời khuyên là hãy cố gắng đào sâu các vấn đề trong CV nhiều nhất có thể.
- Nếu bạn gặp một câu hỏi mà không chắc chắn về câu trả lời, hãy cho nhà tuyển dụng biết điều đó. Hãy phát triển vấn đề bằng các khái niệm, kinh nghiệm liên quan từ đó dẫn đến việc suy luận ra câu trả lời. Nhà tuyển dụng sẽ thấy được tư duy logic của bạn, đôi khi họ sẽ cùng bạn chỉnh sửa những kiến thức, khái niệm của bạn để cùng bạn đi đến câu trả lời hoàn chỉnh. Hãy bắt đầu bằng câu: “Phần này em chưa nghiên cứu sâu/chưa được học/chưa có kinh nghiệm, với kiến thức hiện tại của em, em nghĩ vì lý do XXX, YYY nên câu trả lời sẽ có thể là ZZZZ, nếu có chỗ nào không đúng xin nhờ các anh có thể góp ý để giúp em hoàn thiện hơn”. Câu trả lời trên mang tính cầu thị rất cao, có thể giúp nhà tuyển dụng cảm thấy hài lòng. Dĩ nhiên tùy vào hoàn cảnh, tình huống, độ khó câu hỏi mà các bạn có thể áp dụng cách này, không phải 100% nó sẽ đem lại hiệu quả tích cực như mong đợi, và cũng không nên áp dụng quá nhiều sẽ gây phản tác dụng nhé.
- Nhà tuyển dụng sẽ không thích nếu hỏi đến vấn đề nào trong CV bạn cũng không biết hoặc không nhớ, điều đó thể hiện sự không nghiêm túc của bạn với cuộc phỏng vấn. Vậy nên hãy cố gắng ôn lại tất cả những gì viết trong CV trước buổi phỏng vấn trực tiếp.
- Nhà tuyển dụng cũng có thể cho các bạn làm bài test giấy để kiểm tra kiến thức thực tế hoặc cho các bạn trình bày một vấn đề nào đó bằng tiếng Anh để kiểm tra trình độ tiếng Anh.
- Khả năng giải thích một vấn đề cho người khác hiểu là cực kì quan trọng trong phần này, nên hãy thực hành thường xuyên nhé. Nhà tuyển dụng cho rằng chỉ khi hiểu rõ vấn đề các bạn mới có thể giải thích nó một cách rõ ràng được. Hãy luyện tập bằng cách giúp đỡ các bạn trong lớp giải thích một bài tập/kiến thức nào đó, điều này sẽ giúp kĩ năng này của các bạn ngày càng hoàn thiện hơn
2.Nhóm câu hỏi về khả năng giải quyết vấn đề, tư duy logic
Nhà tuyển dụng sẽ đưa ra một số tình huống, một số bài toán để yêu cầu bạn cung cấp giải pháp, đưa ra góc nhìn, hướng xử lý. Từ đó thấy được khả năng giải quyết vấn đề và tư duy logic của bạn.
Các bạn có thể tìm hiểu một số phương pháp phân tích và giải quyết vấn đề thông qua bài viết sau:
https://ictc.edu.vn/ban-la-mot-sinh-vien-thuc-tap-va-ban-dang-gap-kho-khan-trong-viec-giai-quyet-mot-van-de-co-nhung-cach-nao-de-cai-thien-ky-nang-giai-quyet-van-de-cua-ban/
Lời khuyên trong phần này là hãy đi vào vấn đề một cách trực tiếp, tránh lan man, thẳng thắn và thừa nhận những vấn đề nằm ngoài phạm vi hiểu biết, tránh luyên thuyên, đoán mò.
Về cách thức phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể hỏi trực tiếp hoặc cho các bạn trình bày trên giấy và thuyết trình.
3.Nhóm câu hỏi về tính phù hợp với văn hóa tổ chức
Mỗi nhóm/tổ chức/công ty có văn hóa (culture) riêng, nên thường họ sẽ ưu tiên tìm kiếm những ứng viên mang đặc điểm phù hợp với văn hóa đó. Những câu hỏi này thường xoay quoanh các vấn đề chung sau:
Làm việc nhóm: hầu hết các công ty đều biết thành công phụ thuộc vào tất cả mọi người cùng hợp lực và hỗ trợ lẫn nhau. Những câu hỏi này có thể giúp nhà tuyển dụng xác định xem ứng cử viên có phải là một người hoạt động tốt khi làm việc nhóm hay không:
- Bạn có thích làm việc độc lập hơn hay làm việc nhóm hơn?
- Bạn nghĩ khi được hỏi về khoảng thời gian làm việc cùng bạn, các nhà quản lý và đồng nghiệp trước đây của bạn sẽ mô tả nó như thế nào?
- Tình huống: Bạn đang bận rộn với công việc của riêng bạn nhưng một thành viên trong nhóm yêu cầu sự giúp đỡ từ bạn. Bạn sẽ cư xử như thế nào? Hãy chuẩn bị câu trả lời phù hợp cho những câu hỏi trên để cho thấy bạn là một good team player nhé.
Sự đồng cảm và quan tâm: Một môi trường làm việc tích cực được tạo ra từ những người tử tế và biết cách quan tâm đến suy nghĩ cũng như cảm xúc của người khác. Dưới đây là một số câu hỏi có thể giúp đánh giá về khía cạnh này của bạn:
- Làm thế nào để bạn đối phó với những căng thẳng liên quan đến công việc?
- Bạn đối phó với những tính cách khác nhau ở nơi làm việc như thế nào?
Làm việc chăm chỉ và có động lực: nhà tuyển dụng luôn muốn tìm những người có thể dành nhiều nhất thời gian của họ cho công việc. Những câu hỏi dưới đây có thể giúp nhà tuyển dụng tìm ra động lực của ứng viên để cống hiến hết mình cho công ty:
- Điều gì thu hút bạn ở công ty chúng tôi?
- Nếu công ty tuyển bạn vào làm việc, bạn hy vọng sẽ đạt được điều gì trong tuần đầu tiên, tháng đầu tiên và năm đầu tiên?
- Bạn cho rằng giữa làm việc nhanh hay hoàn thành đúng công việc, điều gì là quan trọng hơn ?
Tính ngay thẳng, trung thực và trách nhiệm: nhận lỗi về mình và thừa nhận những sai lầm là một đặc điểm tốt ở nhân viên. Dưới đây là một số câu hỏi có thể giúp nhà tuyển dụng hiểu được tính trung thực và chính trực của ứng viên:
- Mô tả những lần bạn cảm thấy không hài lòng với công việc và tại sao?
- Hãy kể về những điều bạn phải đối mặt trong sự nghiệp của mình và cách bạn vượt qua nó.
- Những sai lầm về cá nhân hoặc chuyên môn mà bạn đã gặp và bài học rút ra được ?
Đam mê và tham vọng trong công việc: Một nền văn hóa công ty xuất sắc được tạo thành từ những người thực sự yêu thích những gì họ làm. Một số câu hỏi sau sẽ cho biết mức độ đam mê của bạn ở công việc này :
- Bạn tự hào về những thành tựu nào của bản thân nhất?
- Mục tiêu nghề nghiệp dài hạn của bạn là gì?
4. Nhóm câu hỏi về khả năng đóng góp trong dài hạn
Nhà tuyển dụng thường đưa ra câu hỏi:”Bạn nghĩ mình sẽ gắn bó với công ty trong bao lâu?” để đánh giá mức độ nghiêm túc của bạn trong công việc.
Quy trình tuyển dụng và đào tạo nhân sự mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Vì vậy, nhà tuyển dụng không bao giờ muốn tuyển dụng một ứng viên vào làm thời gian ngắn rồi xin nghỉ việc.
Chính vì thế khi đặt câu hỏi “Bạn nghĩ mình nên gắn bó 1 công ty trong bao lâu?” nhà tuyển dụng đang muốn biết rõ hơn về thời gian làm việc trước đây của ứng viên. Họ muốn xem xét ứng viên có hay không là người hay nhảy việc, lý do nhảy việc khách quan hay chủ quan.
Để giải quyết tốt câu hỏi này, có những gợi ý sau:
- Đưa ra thời gian ở mức “khoảng”:
- Đừng đưa ra một con số cụ thể nào vì mỗi người sẽ có định lượng về thời gian khác nhau. Bạn nên trả lời bằng việc đưa ra mốc thời gian ở mức khoảng.
- Ưu tiên sử dụng các lượng từ “khoảng”, “ít nhất”, “trên”, v.vv.. sau đó đưa ra lý do muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
- Đi đường vòng
Không ai có thể khẳng định chắc chắn về tương lai. Nếu gặp câu hỏi đo lường về mức độ gắn bó lâu dài với công ty, bạn có thể chọn cách “đi đường vòng”. Hãy chia sẻ với nhà tuyển dụng những kế hoạch dài hạn mà mình mong muốn được thực hiện tại doanh nghiệp của họ. Hãy đưa ra các câu trả lời mang tính tích cực, thể hiện nhiệt huyết của bản thân với công ty và vị trí mà bạn đang ứng tuyển. - Chuyển hướng câu hỏi
Với câu hỏi “nên gắn bó 1 công ty trong bao lâu?”, bạn có thể chuyển hướng câu trả lời về nhà tuyển dụng. Điều này thể hiện ở việc bạn tỏ ra hào hứng khi nhắc đến công việc, nhấn mạnh rằng bản thân sẽ cảm thấy hào hứng nếu được nhà tuyển dụng tạo điều kiện. Bạn có thể đề cập đến văn hóa của doanh nghiệp ứng tuyển. Với cách này, bạn đã “ngầm” chia sẻ cho nhà tuyển dụng thấy rằng các yếu tố chủ quan như môi trường, con người, chế độ ở công ty ảnh hưởng rất lớn tới quyết định nên hay không gắn bó lâu dài của bạn. Tuy nhiên, cách trả lời này chỉ phù hợp cho những người tự tin, khôn khéo và có sẵn kinh nghiệm làm việc và thành tích nhất định. - Dám khẳng định
Ngoài các gợi ý trên, bạn còn có thể thẳng thắn khẳng định ngay bản thân thích đối mặt với những thử thách mà công việc mang lại nên chắc chắn sẽ gắn bó lâu dài với công ty. Không chỉ thế, bạn có thể nói rằng mình là người không thích “nhảy việc” hay đổi công ty. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng rất ấn tượng, cho rằng bạn biết đặt lợi ích của doanh nghiệp lên hàng đầu.
5.Nhóm cau hỏi về khả năng phát triển trong tương lai
Nhóm câu hỏi này thường xoay quanh việc đánh giá các tính cách của ứng viên:
- Tính cần cù, chăm chỉ, chịu khó
- Cách tạo động lực làm việc
- Những tham vọng trong công việc
- Có định hướng, mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng
Hãy chuẩn bị và cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người nghiêm túc trong công việc mà có mục tiêu, định hướng rõ ràng nhé.